Tháp Bà Ponagar Nha Trang thuộc phường Vĩnh Phước, tọa lạc tại một ngọn đồi cách thành phố biển 2km về phía Bắc.
Là một quần thể kiến trúc lớn nằm ngay giữa lòng thành phố, khoảng cách không quá xa càng khiến nơi đây trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho mỗi du khách khi ghé thăm Nha Trang, đặc biệt là với những tín đồ của du lịch tâm linh.
Lịch sử hình thành Tháp bà Ponagar
Sử cũ còn ghi người Chăm xây dựng các đền tháp trên đồi Cù Lao ở xứ Kauthara, để thờ Nữ thần Ponagar là Mẹ Xứ sở của người Chăm, tên thường gọi là Tháp Bà Ponagar.
Di tích có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Khu đền tháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tôn giáo, tinh thần của dân tộc Chăm. Nữ thần Thiên Y Ana – vị tiên đã dạy những người con nơi này biết cày cấy may dệt.
Tháp bà đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh. Khu đền tháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tôn giáo, tinh thần của dân tộc Champa cổ. Mỗi công trình chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật.
Ngày nay, tháp bà Ponagar đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh ở Nha Trang và là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến Nha Trang. Bên cạnh đó còn có Chùa Long Sơn, Nhà thờ Núi…
Khám phá tháp Bà Ponagar Nha Trang với kiến trúc Chăm cổ xưa
Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Kỹ thuật xây dựng tháp Chăm hết sức độc đáo.
Gạch xây tháp Chăm là gạch loại, xốp, nhẹ, mềm, dễ tạo hình và không thấm nước nên hầu như không có hiện tượng rêu bám, mà các viên gạch chỉ bị bào mòn theo thời gian, phô ra lõi màu đen, thể hiện những viên gạch được nung ở nhiệt độ cao.
Được xây dựng từ rất lâu, khoảng hơn 10 thế kỷ trước, vì vậy đây là công trình nổi bật cho kiến trúc thời Chăm cổ xưa. Nơi này thu hút khoảng 160.000 lượt khách du lịch ghé thăm hàng năm.
Tháp bà Ponagar Nha Trang với những kiệt tác kiến trúc của người Chăm
Tháp Bà Ponagar Nha Trang mang dáng dấp của một ngôi đền, đậm dấu ấn kiến trúc vương quốc Chăm cổ xưa. Toàn bộ quần thể gồm 3 tầng, mang nét đặc trưng của những đền đài từ hơn chục thế kỉ trước.
Khu tiền đình Mandapa
Khu tiền đình Mandapa có bốn hàng cột lớn xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình bát giác ở phía ngoài.
Từ Mandapa trong tiếng Chăm có nghĩa là nhà tĩnh tâm, là nơi khách hành hương nghỉ chân và chuẩn bị lễ vật để dâng lên nữ thần.
Các nhà khoa học cho rằng, đây là kiến trúc hở tường bao. Trên mỗi cột lớn, tương ứng với chiều cao cột nhỏ đều có “lỗ mộng”. Đây có thể là nơi các tín đồ chuẩn bị các lễ vật trước khi lên hành lễ ở các đền tháp phía trên.
Con đường đi qua khu vực Mandapa để đi lên đền chính phải trải qua các bậc tâm cốc rất dốc. Họ phải đi như bò, tay bám các bậc phía trên để không ngã ra sau và khi xuống phải đi lùi quay lưng xuống bên dưới. Bời người xưa quan niệm, để gặp được nữ thần, bạn phải vượt qua nhiều khó khăn và thử thách. Nó thể hiện lòng tôn kính đối với nữ thần của trời biển.
Trải qua thời gian, lối đi này đã bị sạt lở, khó đi hơn nên người xưa mở đường bên cạnh, men theo sườn đồi lên tháp, đường mới này ít dốc hơn, dễ đi lại với các bậc xây bằng đá chẻ, phục vụ cho việc tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước.
Khu đền tháp
Theo sử sách và những kết quả khảo sát thực địa, khu đền tháp này có tất cả sáu đền tháp. Nhưng hiện nay, Khu đền tháp hiện nay chỉ còn 4 đền tháp còn hiện hữu: Tháp Đông Bắc, tháp Nam, tháp Đông Nam và tháp Tây Bắc.
Ngoài bốn đền tháp nêu trên, còn có hai đền tháp ở khu vực phía sau, nhưng hiện nay chỉ còn nền móng của tháp cũ. Người Chăm gọi tháp là Kalan, dịch sang tiếng Việt nghĩa là đền, tháp.
Các tháp đều được xây dựng một kiểu giống nhau theo binh đồ hình vuông, chỉ khác về kích thước và độ rộng. Từ chân thẳng tắp đến gần đỉnh tháp, vị trí trên cùng được thiết kế theo kiểu hình chóp nón.
+Tháp Đông Bắc
Tháp Chính, tháp cao khoảng 23m. Theo các nhà nghiên cứu, niên đại của tháp Chính được xây dựng lần đầu tiên vào các năm 813 – 817 và trải qua những biến cố của lịch sử, tháp đã được xây dựng lại vào khoảng giữa thế kỷ XI.
Bên trong tháp là điện thờ hình vuông, chính giữa đặt tượng thờ Nữ thần Ponagar – là phần hồn của di tích. Đây cũng là tượng của Uma (vợ – biểu hiện âm tính của thần Shiva), đến thế kỷ XVII được người Việt tiếp tục gìn giữ và thờ Thiên Y Thánh Mẫu.
+Tháp Nam
Tháp cao 18m, có quy mô lớn thứ hai trong toàn bộ tổng thể kiến trúc ở khu đền tháp Ponagar. Ngôi tháp có bộ mái tương đối lạ trong quần thể kiến trúc Tháp Bà. Tháp có niên đại thế kỷ XIII. Đây là nơi thờ thần Shiva.
Theo truyền thuyết của người Việt gọi đây là tháp Ông, thờ chồng bà Thiên Y A Na.
+Tháp Đông Nam
Đây là ngôi tháp có quy mô nhỏ nhất. Tháp xây đơn giản, cao 7,1m và hình dáng bên ngoài đã bị hư hại nhiều. Đây có thể là kiến trúc phụ trong quần thể kiến trúc này và thuộc loại muộn, khoảng thế kỷ XI – XII.
Tháp thờ thần Skandha – con thần Shiva là vị thần tượng trưng cho sức mạnh, chiến tranh. Theo truyền thuyết của người dân địa phương tháp thờ ông bà Tiều là cha mẹ nuôi của Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
+Tháp Tây Bắc
Tháp cao 9m, là ngôi tháp duy nhất còn khá nguyên vẹn về kiến trúc và trang trí. Trên mỗi ô cửa giả đều có hoa văn trang trí hình các linh vật, được chạm trổ tinh xảo trên nền gạch nung.
Theo bia kí và khảo cổ học, tháp có niên đại xây dựng năm 817 song đã được trùng tu nhiều lần, nên niên đại cuối cùng khoảng thế kỷ XIII.
Trên ô cửa giả phía nam là hình ảnh chim thần Garuda, ô cửa giả phía bắc là hình ảnh thần Kala – vị thần thời gian, ô cửa giả phía tây là hình tượng nữ thần cưỡi voi.
Bia ký
Bia ký cổ Cham pa tại Tháp Bà Ponagar Nha Trang có giá trị không nhỏ đối với các nhà nghiên cứu trong việc tìm hiểu lịch sử khu đền tháp này nói riêng, cũng như lịch sử, văn hoá và tôn giáo của vương quốc Champa nói chung.
Phía sau Tháp chính có tấm bia do Phan Thanh Giản – một vị quan Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn ghi chép, biên soạn và cho khắc vào năm 1856 (triều vua Tự Đức). Bằng chữ Hán – Nôm nói về truyền thuyết Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt.
Các lễ hội văn hoá, đặc sắc tại tháp Bà Ponagar Nha Trang
Với kinh nghiệm du lịch Tháp Bà Ponagar, nhiều du khách thường lựa chọn đến với địa điểm này vào khoảng tháng 3 âm lịch. Thời điểm này, có rất nhiều người với Tháp Bà để dâng hương, hành lễ. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm vào lễ hội lớn nhất của khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Lễ hội này gắn liền với truyền thuyết thờ nữ thần Thiên Y Thánh Mẫu Ana. Tại lễ hội này, bạn có thể khám phá thêm về một câu chuyện huyền thoại gắn liền với người mẹ của đồng bào Việt, Chăm thuộc các tỉnh miền Trung.
Những lễ hội tại đây còn được tổ chức kèm theo nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian độc đáo, bạn có thể trải nghiệm với nhiều hoạt động khác nhau như: múa bóng, đọc kinh cầu an của nhà sư, trình diễn múa lân.
Đã đặt chân đến thành phố biển xinh đẹp này, ai ai cũng nên một lần tìm đến khu di tích Tháp bà Ponagar Nha Trang để tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, giá trị văn hóa tâm linh của người Chăm xưa. Vào những dịp lễ hôi, du khách còn có cơ hội thưởng thức những điệu múa do những cô gái Champa biểu diễn làm say lắm lòng người.
Bài viết liên quan
Khu du lịch đảo Hòn Tằm Nha Trang