Đại dịch không rõ khi nào bình ổn nhưng sắp tới, thế giới sẽ còn nhiều biến động. Từ thế kỷ 20 đến nay, tức trong hơn 100 năm qua, trái đất cũng đã chứng kiến không ít những khủng hoảng như vậy, nhưng nói điều này ra, là để chúng ta nhận biết rằng không một kết quả nào xảy ra mà không có nguyên nhân, không một việc gì từ rất nhỏ bé đến lớn lao xảy đến mà không có nguyên do đằng sau đó. Đại dịch cũng vậy, nó bắt nguồn từ tham vọng bá chủ của con người.
Một nhân xấu mà con người gây ra đã tạo ra một hậu quả xấu. Khi thấu hiểu điều này, ta chấp nhận những chu kỳ đang diễn ra, đối mặt tỉnh thức với các chu kỳ hay rung động này của trái đất từ đó thay đổi chính nhận thức của mình.
Trong quá trình quan sát và tìm hiểu, 6 bài học mà tôi học được từ đại dịch hy vọng sẽ mang đến một góc nhìn bổ sung cho các bạn. Và hy vọng tiếp tục đón nhận những ý kiến từ tất cả để chúng ta hình thành một thái độ và lối sống tỉnh thức hơn mỗi ngày.
Bài học rút ra từ đại dịch Covid 19
Quy luật chu kỳ đã nói rất rõ rằng mọi thứ đều theo tiến trình: sinh ra – phát triển – tan rã rồi diệt vong. Đại dịch cũng sẽ tuân theo chu trình đó, nhưng nhanh hay chậm là tùy vào nhận thức và cố gắng riêng của mỗi cá nhân và cố gắng chung của tất cả con người trên trái đất này.
Chỉ khi nào con người nhận ra chân lý rằng họ bình đẳng với mọi loài, thì khi đó, biến chủng virus với bắt đầu dừng lại và Covid mới có dấu hiệu đi đến hồi kết.
Sự bình đẳng này nhấn mạnh khi nào con người còn tham vọng bá chủ và còn tham vọng vượt lên thiên nhiên hay muôn loài khác, thì sẽ còn rất nhiều tai ương ập đến chúng ta. Chỉ khi sống thuận hòa với mọi chúng sinh quanh mình, ta mới có thể tạo nên một thế giới hòa bình.
Đại dịch khiến chúng ta nhận ra một điều rằng bằng cách bảo vệ người khác
Đại dịch khiến chúng ta nhận ra một điều rằng bằng cách bảo vệ người khác, chúng ta đang bảo vệ chính mình, và bằng cách bảo vệ chính mình, chúng ta đang bảo vệ người khác. Bản chất của mọi chúng sinh trong vũ trụ đều có tính liên thuộc phụ thuộc lẫn nhau.
Chúng ta không thể sống độc lập hoàn toàn khỏi sự có mặt của những sinh vật bên ngoài. Sự đoàn kết và phụ thuộc lẫn nhau này được thể hiện ở ngay cả những động vật bậc thấp như kiến và ong. Chúng hỗ trợ lẫn nhau để có thể sinh tồn.
Và con người cũng vậy. Phương Đông không thể tách biệt khỏi phương Tây, và ngược lại. Việt Nam không thể tách biệt khỏi Đông Nam Á và ngược lại. Những biến động ở Afghanistan hay Myanmar hiện giờ, ngỡ tưởng không can hệ gì đến chúng ta, nhưng thực ra lại có ảnh hưởng đến chúng ta bằng cách nào đó.
Đại dịch xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc nhưng hiện tại, nó đã xuất hiện khắp mọi nơi trên trái đất. Huống hồ, đây là một sinh vật vô cùng nhỏ bé, và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hiểu được tính liên thuộc này để chúng ta sống không chỉ vì mình mà còn vì những người xung quanh.
Một rung động thấp của chúng ta ảnh hưởng đầu tiên đến chúng ta, rồi lan ra đến những người thân của ta, rồi ảnh hưởng đến những hàng xóm của người thân của ta,… cứ thế, cứ thế, nếu ta không tự biết cách nuôi dưỡng tâm hồn mình thì sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh ta.
Những tội ác trên trái đất này đôi khi chỉ xuất phát từ một người mà sau đó lan rộng ra một tập thể lớn. Những điều thiện lớn lao trên trái đất này đôi khi chỉ xuất phát từ một người mà sau đó ảnh hưởng đến toàn cầu. Đó là điều mà ta cần suy xét nội tâm để những nỗi đau và năng lượng tiêu cực bên trong mình không nắm giữ và kiểm soát mình.
Càng ở trong hoạn nạn, con người càng phải hạn chế tiếp thu những nguồn năng lượng tiêu cực, và càng phải hạn chế sự phán xét
Có một sự thật khá phổ biến là khi ở trong những biến động, bản năng chia rẽ, định kiến trong con người càng lớn. Tính tham, sân và si của con người càng biểu lộ một cách rõ nét.
Chính điều này đã tạo nên một phản ứng ngược đối với tiến trình sinh trụ hoại diệt. Để đối phó với rung động cực kỳ thấp (như chiến tranh, phân biệt chủng tộc, đại dịch,…), thì chỉ có nguồn năng lượng yêu thương và từ bi mới có thể chuyển hóa được rung động này.
Thay vì chia sẻ những điều tiêu cực, mang tính phán xét, chúng ta hãy tiết chế, giữ lại và tự quán xét nó, và đi đến lựa chọn chia sẻ điều tốt lành. Điều tốt lành mới có thể chuyển hóa các rung động từ thấp đến cao.
Hãy hiểu về sự sống cái chết
Hãy hiểu về sự sống cái chết, và nhìn cái chết bằng đôi mắt của sự tỉnh thức. Chính nỗi sợ cái chết và nỗi sợ sự đau khổ mà chúng ta mất đi rất nhiều tỉnh táo trong đại dịch hay các biến động. Nỗi sợ chết cũng khiến ta đánh mất đi sức đề kháng rất rất nhiều.
Năng lượng ý chí vốn dĩ là một điều quan trọng, có khi quan trọng hơn cả mọi thuốc thang và vaccine. Không có một sự thẳng thắn quan điểm nào hơn việc nhấn mạnh bản chất của cuộc sống là phải luôn có tinh thần chuẩn bị cho cái chết. Khi hiểu bản chất của một con người là không sinh không diệt, thì chúng ta sẽ cảm thấy cái chết cũng giống như một giấc ngủ trước khi tái sinh (như tỉnh dậy vào sáng hôm sau).
Chết không phải là hết, dường như chúng ta đã quen thuộc với điều đó, nhưng phần đa con người vẫn sợ cái chết và nỗi sợ cái chết là nỗi sợ ám ảnh nhất của loài người. Nhưng khi tiếp cận kho tàng Phật học một cách nghiêm túc, tôi hiểu rằng nỗi sợ cái chết không bao giờ có thể thao túng tôi một lần nào nữa.
Ngay cả khi đang sống đây, tôi đã chuẩn bị sẵn luôn cho cái chết của mình. Nói về cái chết trong tâm thế vững chãi chắc chắn không bao giờ là một điều xui rủi. Khi hiểu quy luật vô thường và sinh trụ hoại diệt, người ta cũng không quyến luyến quá với cái sống của mình, không nói nhiều về tương lai, mà đơn thuần sống tốt nhất có thể với khoảnh khắc hiện tại.
Không chỉ Phật giáo, mà Kito giáo, Hồi giáo, hay các tôn giáo khác đều công nhận chết không phải là hết, mặc dù thế, với xã hội tân tiến thì thế giới tâm linh trong họ vẫn chỉ là một sa mạc, họ cho rằng cuộc đời này là tất cả, vì thế mà dẫn đến một trong những thái độ coi thường nhân quả.
Một trong những biểu hiện là chủ nghĩa vật chất, được thể hiện qua góc nhìn và thực hành của các nhà khoa học với những phát minh mang tính hủy hoại. Và việc mà thế giới đang nghiên cứu cách để kéo dài sự sống của con người hẳn nhiên là một thực hành tốn công vô ích và thể hiện việc không dám đối mặt với sự chết.
Bởi cốt yếu sau cùng của con người là chấm dứt khổ đau và giải thoát chứ không phải cố gắng kéo dài kiếp sống trong hình thù người. Bởi sự sống là vô tận, chúng ta là những linh hồn đang có trải nghiệm con người mà thôi.
Khi khoa học nói riêng và con người nói chung thực sự hiểu tường tận điều này, việc kéo dài tuổi thọ (theo cách mà khoa học tiếp cận bây giờ) là không cần thiết, và không giúp ích gì nếu đau khổ của con người sống thọ đó vẫn tiếp diễn. Điều đó chẳng khác nào ham sống, sợ chết, bám víu vào hình hài hiện có.
Cứ sống thuận tự nhiên, nếu tuổi thọ có tăng thì cũng tăng tự nhiên theo lối sống lành mạnh của mỗi cá nhân. Hiện nay, một số nhà khoa học ướp xác sau khi người qua đời với hy vọng những tiến bộ khoa học trong tương lai sẽ giúp họ có thể quay trở lại dương gian, điều đó sẽ gây ra rất nhiều đau khổ cho linh hồn, vì họ không có cơ hội tái sinh sớm. Nếu hiểu những nền tảng căn bản của sự sống sau cái chết, thì những phát minh khoa học này sẽ bất hợp lý, và thậm chí gây ra thêm nhiều nguy hại.
Một số cuốn sách về khoa học sự sống và cái chết có thể kể đến như: Tạng thư sinh tử – Sogyal Rinpoche, Tây Tạng Sinh tử kỳ thư, Tây Tạng huyền bí và nghệ thuật sinh tử.
Học cách quay về bên trong, chữa lành bản thân và biết cách tận hưởng cô đơn
Đây là một thời gian rất quan trọng để con người nhận thức được tầm quan trọng của việc quán xét bản thân. Khi không có cơ hội đi ra bên ngoài, con người không còn cách nào khác là làm bạn với chính mình, và bằng cách làm bạn với chính mình, chúng ta mới có thể hiểu bản thân mình, và hiểu bản thân mình thì ta có cơ hội thấu hiểu cho những nỗi niềm của người khác.
Khi thực hành ngồi yên và không làm gì, ta cứ nghĩ rằng ta đang không cho đi thứ gì, nhưng đó chính là một cách cho đi thật an lành. Khi ta thực sự không làm gì, chẳng phải nguồn năng lượng bên trong ta sẽ đạt mức thăng bằng hay sao. Ta sẽ chẳng mang tổn thương và đau đớn đến cho người nào.
Trong một xã hội đầy rẫy những phiền muộn này, nếu ta chịu khó ngồi yên để tâm trí lắng lại thì đã là giúp ích cho cuộc đời rất nhiều. Bởi có nhiều người không chịu ngồi yên, mà phản ứng lại sự giận dữ và đau khổ bên trong mình, rồi gieo rắc năng lượng không tốt đẹp ấy ra xung quanh.
Đức Dalai Lama từng nói rằng thế giới này không cần thêm những người thành công, mà rất cần thêm những người kiến tạo hòa bình, những người chữa lành, những người kể chuyện và những người biết yêu thương.
Bằng cách quay về bên trong yêu thương lấy chính mình, là ta đang đi trên hành trình biết yêu thương người khác đúng cách.
Xem thêm: Đại dịch Covid 19 dạy mình nhiều điều hơn mình tưởng
Hạn chế ăn động vật và hướng đến ăn thực vật nhiều hơn
Việc ăn uống có một mối liên hệ mật thiết với cơ thể và tâm hồn của chúng ta. Bằng cách ăn uống tiết giảm động vật, cũng như giữ thói quen không sát sinh, chúng ta sẽ nới rộng thêm lòng từ bi của chính mình.
Chúng ta thấy rằng ở các quốc gia phát triển và không có thói quen ăn chay thì bệnh tật thường nhiều hơn, mà đặc biệt là những bệnh rất khó chữa. Nhưng ở các quốc gia hướng đến việc ăn chay hoặc tiết giảm ăn động vật, thì ta thấy trường năng lượng ở đó hiền hòa, con người sống khỏe mạnh.
Khi sát sinh một động vật, con vật đó sẽ rất đau đớn và khổ sở, vì thế, khi ăn thức ăn có nguồn gốc từ động vật nhiều, chúng ta đang tiếp thêm những nguồn năng lượng của sự đau khổ và phiền não này, từ đó tạo nên những căn bệnh trên cơ thể.
Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng ta nên tìm hiểu về cách ăn uống cân bằng giúp thanh lọc thân tâm, để từ đó tự trở thành bác sĩ cho chính mình.
Tham gia những khóa tu tập, thiền tập, chữa lành… trực tuyến
Trong thời gian này, nhiều ngôi chùa, nhiều tổ chức, cá nhân,…. thường xuyên tổ chức những khóa tu, sự kiện chữa lành,… mà chúng ta nên tìm hiểu và tham gia.
Hoặc nếu không, hãy tự rủ bạn bè để học nhóm mỗi ngày, thiền tập mỗi ngày và chia sẻ kiến thức cùng nhau để tạo một cuộc sống cô lập có ích hơn và sinh động hơn thay vì thụ động.
Sự thụ động dễ tạo ra những nguồn năng lượng tiêu cực và dễ tích tụ thêm những nguồn năng lượng tiêu cực. Đó là điều mà chúng ta cần hết sức suy xét.
Nguồn: Trang Ps